Chuẩn đầu ra rõ ràng, cập nhật là nền tảng quan trọng để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp các chương trình giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có thể đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp. Trong bối cảnh ngành logistics tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, điều này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nhằm đảm bảo các cơ sở GDNN bắt kịp nhu cầu của doanh nghiệp, thay đổi công nghệ và thông lệ quốc tế tiên tiến.
Để hỗ trợ mục tiêu này, Aus4Skills gần đây đã chia sẻ một báo cáo mới với Cục Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên (CGGNN&GDTX) cùng 16 cơ sở GDNN đối tác. Báo cáo tóm tắt kết quả của cuộc họp kỹ thuật về cập nhật chuẩn đầu ra ngành, nghề logistics trình độ cao đẳng, trung cấp. Hội thảo do Aus4Skills và Trường Cao đẳng Hàng Hải số 1 (MC1) đồng tổ chức vào tháng 03/2025, quy tụ gần 80 đại biểu tham dự, bao gồm các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp Australia, Việt Nam trong lĩnh vực logistics, các trường nghề đang đào tạo logistics trình độ cao đẳng, trung cấp và hai trường đại học đào tạo logistics là Đại học Hàng hải và Đại học FPT. Nội dung thảo luận của hội thảo được xây dựng dựa trên các phản hồi thu thập được qua khảo sát các trường GDNN về Thông tư số 56/2018/TT-LĐTBXH.
Các đại biểu tham gia buổi họp
Các thảo luận và báo cáo đính kèm đã thể hiện sự đồng thuận cao về một số nội dung cập nhật quan trọng. Đầu tiên, các đại biểu đã nhất trí về việc mở rộng danh mục vị trí việc làm được thể hiện trong chuẩn đầu ra. Trong bối cảnh ngành logistics liên tục thay đổi, các trình độ hiện có phải thể hiện các vai trò và chức năng mới được quan tâm. Việc bổ sung thêm các vị trí việc làm sẽ giúp chuẩn đầu ra sát hơn với thực tiễn tuyển dụng, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Ông Klausch Schmidt, Tổng giám đốc công ty Industry Skills Australia, trình bày những cập nhật về đào tạo dựa trên năng lực trong lĩnh vực logistics, chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình của Australia.
Thứ hai, các đại biểu cũng đồng thuận về vai trò ngày càng quan trọng của chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Chuẩn đầu ra cập nhật cần bổ sung kiến thức sâu hơn về các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data), đặc biệt là ở cấp cao đẳng. Các đại biểu cũng đề xuất tích hợp những khái niệm về logistics xanh để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế bền vững. Những bổ sung này phản ánh những thay đổi trong bản chất của hoạt động logisitcs và nhu cầu ngày càng tăng đối với các thực hành thân thiện với môi trường và lực lượng lao động có hiểu biết về công nghệ.
Một khuyến nghị quan trọng khác tập trung vào việc liên thông giữa trình độ trung cấp vào cao đẳng và giữa trình độ cao đẳng và đại học. Để hỗ trợ việc này, chuẩn đầu ra cần được xác định chuẩn xác , đặc biệt cần sử dụng đúng các động từ trong Thang nhận thức Bloom (một hệ thống phân loại các mục tiêu học tập theo mức độ từ nhận biết cơ bản đến tư duy bậc cao). Điều này bao gồm việc đảm bảo chuẩn đầu ra sử dụng các động từ rõ ràng như “phân tích”, “vận dụng” và “đánh giá” nhằm hỗ trợ khả năng liên thông. Bên cạnh đó, các kỹ năng như thuyết phục, đàm phán và tiếng Anh chuyên ngành nên được bổ sung vào chuẩn đầu ra ở trình độ cao đẳng. Điều này đảm bảo mỗi cấp độ đào tạo xác định rõ những gì sinh viên tốt nghiệp được kỳ vọng sẽ biết và có thể thực hiện, qua đó cải thiện tính minh bạch và nhất quán giữa các cơ sở GDNN.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Phó Trưởng khoa Kinh tế, Trung tâm đào tạo Logistics tiểu vùng sông Mêkông – Nhật Bản tại Việt Nam, đưa tới góc nhìn từ nhà trường.
Đối với hoạt động đào tạo trình độ trung cấp, các bên liên quan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên nội dung thực hành so với lý thuyết. Chuẩn đầu ra cập nhật nên tập trung vào các quy trình nghiệp vụ cốt lõi như quản lý kho, giao nhận, xếp dỡ và vận hành an toàn các thiết bị thông dụng như xe nâng. Chuẩn đầu ra cũng nên bao gồm kỹ năng nhận biết chứng từ đơn giản, quy định về an toàn lao động và phòng cháy chữa cháy. Các nội dung về logistics số và logistics xanh cũng nên được giới thiệu ở mức độ nền tảng, chú trọng vào nhận thức cơ bản và thực hành có hướng dẫn. Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm như sự cẩn thận, tuân thủ quy trình tại nơi làm việc và giao tiếp cơ bản cũng được xác định là cần thiết và nên được thể hiện rõ trong chuẩn đầu ra.
Bà Trần Thị Phương Anh, Giám đốc công ty GreenPort, cùng 2 nhân viên là cựu sinh viên logistics, đưa ra những khuyến nghị quan trọng về việc điều chỉnh chuẩn đầu ra cho ngành Logistics ở trình độ Trung Cấp và Cao Đẳng từ góc nhìn của doanh nghiệp.
Báo cáo kết quả cuộc họp kỹ thuật nêu trên cũng là cơ sở đầu vào quan trọng hỗ trợ cho nhóm chuyên gia trong nước đang thí điểm xây dựng chương trình đào tạo logistics trình độ cao đẳng, trung cấp theo năng lực trong khuôn khổ Chương trình Aus4Skills. Khác với các nỗ lực trước đây chỉ tập trung vào các mô-đun riêng lẻ, sáng kiến này hướng tới việc áp dụng đào tạo theo năng lực ở cấp độ chương trình đầy đủ. Chương trình cập nhật dự kiến sẽ được chia sẻ vào quý IV năm 2025, nhằm hỗ trợ các trường áp dụng phương pháp đào tạo hiện đại, lấy năng lực đầu ra làm trung tâm
Những cập nhật này là bước tiến lớn trong đóng góp của Aus4Skills nhằm phát triển lực lượng lao động ngành logistics của Việt Nam, đảm bảo họ có chuẩn bị tốt cho tương lai và được trang bị các kỹ năng phù hợp cùng kinh nghiệm thực tế để thích ứng với các công nghệ và yêu cầu mới. Thông qua Aus4Skills, Australia đang hợp tác chặt chẽ với hệ thống GDNN của Việt Nam để đảm bảo đào tạo chất lượng cao, toàn diện và hướng tới tương lai – không chỉ trong lĩnh vực logistics mà còn trong nhiều ngành nghề khác.
Truy cập Báo cáo cuộc họp tại đây.