Sáu cán bộ từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ vừa hoàn thành Chứng chỉ sau đại học chuyên sâu về kỹ năng biên, phiên dịch do Trung tâm Việt – Úc (VAC) hỗ trợ.
Học viên của Khóa ngắn hạn “Chứng chỉ sau đại học chuyên sâu về kỹ năng biên, phiên dịch” lần 2
Kỹ năng biên, phiên dịch chính xác là yếu tố quan trọng nhằm hỗ trợ quá trình trao đổi hiệu quả giữa các quốc gia. Chương trình do Đại học RMIT tại Melbourne thực hiện đã giúp các học viên cải thiện khả năng phiên dịch, nâng cao nhận thức văn hóa và tăng cường khả năng thích ứng với nhiều bối cảnh khác nhau. Ngoài ra, chương trình còn bồi dưỡng các kỹ năng nhận thức, chuyên môn và sáng tạo bậc cao cần thiết cho các nhiệm vụ phiên dịch phức tạp, đồng thời tăng cường năng lực giao tiếp chuyên nghiệp trong môi trường đa ngôn ngữ. Đây là những yếu tố quan trọng giúp học viên làm tốt công việc tại cơ quan của mình. Các học viên đã nâng cao tư duy phản biện về các hoạt động phiên dịch dựa trên cả tiêu chuẩn của Australia và quốc tế.
Học viên trong giờ Phiên dịch Nâng cao
Từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2025, các học viên đã tham gia chương trình học thuật chuyên sâu, kết hợp lý thuyết trên lớp với thực hành thực tế tại Melbourne, cũng như được trải nghiệm văn hóa đa dạng của xứ sở chuột túi. Với tiêu chí “học đi đôi với hành”, các học viên đã được thực hành tại các phòng phiên dịch hiện đại theo phong cách Liên hợp quốc của Đại học RMIT cũng như tham gia các chuyến khảo sát thực tế tại Tòa án sơ thẩm Melbourne và Cơ quan Chứng nhận biên, phiên dịch quốc gia (NAATI).
Các học viên trong giờ Đạo đức Biên – Phiên dịch
Các học viên kết nối với các chuyên gia tại Viện Chính sách Australia – Việt Nam.
Chia sẻ về trải nghiệm này, ông Nguyễn Hồng Phúc, cán bộ Cục Lễ tân và Phiên dịch đối ngoại, Bộ Ngoại giao, cho biết: “Tôi thấy tự tin hơn khi phiên dịch tiếng Anh (cả phiên dịch nối tiếp và phiên dịch song song) so với khi mới bắt đầu khóa đào tạo”.
Bà Hoàng Bảo Châu, Cán bộ Cục Ngoại vụ và Ngoại giao văn hoá, Bộ Ngoại giao đánh giá: “Phương pháp tiếp cận thực tế của khóa đào tạo đã giúp tôi áp dụng lý thuyết vào các bối cảnh phiên dịch khác nhau. Ví dụ, chúng tôi đã có thêm nhiều trải nghiệm đặc biệt khi quan sát phiên dịch tác nghiệp trong các vụ việc pháp lý”.
Các học viên thực hành phiên dịch hội thảo.
Sau khi trở về Việt Nam, các học viên đã bắt đầu áp dụng các kỹ năng mới tích lũy được trong các cuộc họp song phương và đa phương cấp cao cũng như xây dựng kế hoạch hỗ trợ nâng cao năng lực trong cơ quan thông qua việc chia sẻ các kỹ thuật biên, phiên dịch và nguồn lực với các đồng nghiệp của mình.
Khóa đào tạo Chứng chỉ sau đại học về kỹ năng biên, phiên dịch nằm trong cam kết của VAC về thực hiện các chương trình đào tạo chuyên môn chất lượng cao cho cán bộ khu vực công tại Việt Nam, qua đó góp phần hiện thực hóa các ưu tiên chung theo Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Australia trong việc nâng cao năng lực cho lãnh đạo trẻ của Việt Nam, tăng cường giao thoa văn hóa và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác song phương giữa hại nước.
Với 10 cán bộ hoàn thành xuất sắc hai khóa đào tạo, chương trình đã tạo ra những hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cách các cán bộ Việt Nam tiếp cận hoạt động ngoại giao đa ngôn ngữ, kết nối khu vực và đại diện quốc gia trên trường quốc tế.
Học viên khóa 1 tham quan công ty phiên dịch Language Loop của Australia.
VAC là sáng kiến chung của Chính phủ Australia và Việt Nam nhằm nâng cao kỹ năng lãnh đạo cho cán bộ Việt Nam cũng như giúp Australia và Việt Nam cùng nhau giải quyết các vấn đề và thách thức chung trong khu vực./.