Hiện các trường nghề không chỉ đặt mục tiêu đào tạo học viên ra trường thông thạo nghề, làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp trong nước, mà còn cho ra những lứa công nhân thạo ngoại ngữ, đạt chuẩn nghề nghiệp trong khu vực và quốc tế làm việc trong các doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp nước ngoài. Muốn như vậy, các trường trung cấp, cao đẳng nghề cần phải chú trọng đến việc liên kết, hợp tác quốc tế.
NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ CHO CƠ SỞ VẬT CHẤT, CHUYÊN MÔN
“Đào tạo phải linh hoạt” – cô Nguyễn Thị Lý – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức – chia sẻ về hướng phát triển của nhà trường, trong đó có việc hợp tác với các doanh nghiệp và đặc biệt là hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề.
Liên kết với các trường cao đẳng của Hàn Quốc, Nhật Bản, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức có cơ hội giao lưu văn hóa, học hỏi kinh nghiệm từ các bạn quốc tế. Tổ chức KOICA của Nhật Bản còn cử hai tình nguyện viên người Nhật đến trường để dạy tiếng Nhật cho sinh viên nhà trường. Tính đến nay, trường cũng đã triển khai được gần một năm kí kết hợp tác với Trường ĐH Suseong Hàn Quốc, cơ hội để giảng viên và sinh viên hai trường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy, cùng đó Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức học hỏi thêm trường bạn phương pháp giảng dạy ngành công nghệ thông tin và cơ khí.
Còn Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi đã và đang có đến 4-5 dự án triển khai: Dự án GIZ của Đức, hướng tới mục tiêu trường trở thành Trung tâm đào tạo nghề Xanh chất lượng cao theo chuẩn của Đức, đồng thời xây dựng cho trường một số chuyên ngành mới. Hiện trường có giảng viên người Đức trực tiếp đứng lớp giảng dạy lý thuyết và thực hành cho sinh viên. Tiếp đến là dự án của JICA (Nhật Bản) tăng cường giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam, nhà trường sẽ được dự án cung cấp trang thiết bị đào tạo cho hai nghề điện và cơ khí theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Dự án của Tây Ban Nha đào tạo lớp cho người yếu thế – đào tạo nghề may cho chị em. Dự án Access (Mỹ), hỗ trợ đào tạo tiếng Anh cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…

Sinh viên Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi trong giờ thực hành nghề lái xe nâng hàng
NGHỀ HOT VÀ QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN NGHỀ
Đảm bảo cho các doanh nghiệp logistics của Việt Nam có một lực lượng lao động với kỹ năng nghiệp vụ và chuyên môn chuẩn quốc tế đang là yêu cầu đặt ra với các trường nghề Việt Nam. Và có một dự án hiện đang được một số trường nghề tham gia tích cực – Dự án Aus4Skills (Chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển nguồn nhân lực) với nhành nghề được chọn tâm điểm – ngành logistics.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, nhu cầu về nhân lực ngành logistics của thành phố hiện là 350.000 người, trong khi số lượng sinh viên ra trường từ các trường cao đẳng và trung cấp nghề trên địa bàn khoảng 2.600 sinh viên/năm. Và yêu cầu đặt ra là không chỉ đáp ứng về số lượng mà còn phải đáp ứng về chuẩn nghề. Theo dự án, ngành logistics sẽ phải xác định những kỹ năng cần thiết và những kỹ năng này sẽ được chuyển thành các tiêu chuẩn nghề (mô tả công việc). Những tiêu chuẩn nghề này sẽ hình thành khung đào tạo tại các trường đào tạo và giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở đào tạo khác của Việt Nam. Đầu ra sẽ là một lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề cao đã qua đào tạo theo tiêu chuẩn đồng bộ, và đồng thời tạo điều kiện cho sự dịch chuyển những kỹ năng này giữa các doanh nghiệp. Đây là mô hình mà tiềm năng có thể được các ngành khác áp dụng tại Việt Nam, và hiện được áp dụng một cách có hiệu quả ở nhiều nước như Úc, Đức, Singapore.
“Trong một cuộc trao đổi do Aus4Skills tổ chức giữa các doanh nghiệp và nhà trường, có ý kiến cho rằng cần có sự hợp tác giữa 3 nhà chứ không phải là thúc đẩy sự hợp tác giữa 2 nhà như hiện nay, đó là mối quan hệ bền chặt giữa Nhà quản lý – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp. Có như vậy mới đảm bảo cho ra lực lượng lao động với kỹ năng nghiệp vụ và chuyên môn chuẩn quốc tế ngành logistics”.
Bước đầu tiên trong quy trình này là thí điểm thành lập một cơ quan đại diện ngành để giám sát dự án. “Ban Tư vấn đào tạo ngành logistics” đã được thành lập với sự tham gia của lãnh đạo các doanh nghiệp, chuyên gia, lãnh đạo các nhà trường. Cô Nguyễn Thị Lý và thầy Nguyễn Văn Chương đều tích cực tham gia trong ban tư vấn này. Một nỗ lực của ban này ngay sau đó là nhanh chóng xác định 5 vị trí nghề ưu tiên, trong đó tiêu chuẩn nghề sẽ đem lại lợi ích thực sự cho số lượng lớn các doanh nghiệp logistics. Đó là những vị trí: Nhân viên kho hàng, giám sát viên kho hàng, nhân viên logistics, nhân viên giao nhận hàng hóa, nhân viên xếp dỡ và vận chuyển hàng tổng hợp.
Tiêu chuẩn nghề cho 4 vị trí nghề đầu tiên đã được xây dựng thông qua một dự án APEC trước đó có sự tham gia của Úc, Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Việt Nam trong năm 2014 – 2015. Tiêu chuẩn nghề cho vị trí nghề nhân viên xếp dỡ hàng tổng hợp (trước là lái xe thang nâng) mới được Ban Tư vấn đào tạo ngành logistics xây dựng. Một số yếu tố quan trọng của dự án thí điểm này là ngành và các bên liên quan chủ chốt trong lĩnh vực nghề sẽ thẩm định tiêu chuẩn nghề và tiêu chuẩn kỹ năng nghề để quyết định liệu chúng có đáp ứng được nhu cầu của ngành logistics ở TP. HCM hay không.
Thầy Nguyễn Văn Chương – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi chia sẻ: “Tham gia dự án của Aus4Skills, lãnh đạo và cán bộ, giảng viên nhà trường được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng, tham quan doanh nghiệp, trường nghề của Úc, được tận mắt chứng kiến họ dạy nghề như thế nào, những kiến thức trong nhà trường được triển khai ra sao ở thực tế kho bãi, cầu cảng… Khi trở về trường, chúng tôi đã có những vận dụng, điều chỉnh, cải tiến ngay trong thực tế giảng dạy. Nếu không liên kết quốc tế trong đào tạo, nhà trường sẽ khó có cơ hội để nâng cao chuẩn đào tạo nghề, hướng tiêu chuẩn đào tạo quốc tế như vậy”.
Nguồn: Báo GD&TĐ